Trung Quốc lo Nhật Bản triển khai Kế hoạch hải dương giai đoạn 3

VietTimes -- Trong kế hoạch mới, Nhật Bản sẽ tăng cường cảnh giới lãnh hải, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ đảo xa, tăng dân số trên đảo xa... sẽ tạo ra thách thức lớn cho Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku.
Tàu tuần tra Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Ảnh: Military.china.com
Tàu tuần tra Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Ảnh: Military.china.com

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 21/7 dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại lễ khai mạc "Ngày hàng hải" tổ chức ở Tokyo ngày 17/7 cho biết đến tháng 9/2017 sẽ tổ chức Hội nghị những người đứng đầu ngành bảo đảm an ninh biển thế giới, đồng thời cho biết tranh thủ xây dựng kế hoạch hải dương cơ bản giai đoạn mới trong hội nghị nội các Nhật Bản vào tháng 4/2018.

Theo giáo sư Úc Chí Vinh, Đại học Hải dương Chiết Giang, Phó Tổng thư ký Hội nghiên cứu Thái Bình Dương Trung Quốc, một thông tin rất quan trọng ở đây là Nhật Bản sắp đưa ra "Kế hoạch hải dương cơ bản" giai đoạn 3.

10 năm trước, ngày 20/4/2007, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật hải dương cơ bản đầu tiên trong lịch sử với số phiếu 100%. Một tuần sau, ngày 27/4/2007 luật này lập tức có hiệu lực.

Căn cứ vào luật này, Chính phủ Nhật Bản phải tiến hành xây dựng Kế hoạch hải dương cơ bản cho đồng bộ, tức là đưa ra các nội dung trọng điểm quản lý biển Nhật Bản trong mỗi giai đoạn, cứ 5 năm sửa đổi 1 lần.

Kế hoạch hải dương cơ bản giai đoạn 1 từ năm 2008 đến năm 2013 với nhiệm vụ trọng điểm là xác định rõ phạm vi và diện tích thực tế của vùng biển mà Nhật Bản chủ trương quản lý theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Nhật Bản đưa ra tới 500 đảo nhỏ để vạch ra lãnh hải và các điểm cơ bản của vùng đặc quyền kinh tế. Trong hải đồ của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, 200 hòn đảo không có tên đều được đưa vào danh sách đặt lại tên.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Dwnews
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Dwnews

Nhật Bản từng công bố tên của 39 đảo không người ở (báo Trung Quốc cho là đặt tên phi pháp), trong đó có đảo Senkaku và các đảo lân cận mà Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền.

Tháng 9/2012, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Yoshihiko Noda đã tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp đáp trả, bao gồm tiến hành "tuần tra thường xuyên".

Kế hoạch hải dương cơ bản giai đoạn 2 từ năm 2013 - 2018 với công tác trọng điểm là phát triển năng lượng trên biển.

Trữ lượng đất hiếm ở vùng biển xung quanh Nhật Bản rất lớn, dưới đáy biển vùng đặc quyền kinh tế khu vực đảo Minami Tori ở cực đông đã phát hiện được mỏ đất hiếm hàm lượng cao, trữ lượng khoảng 6,8 triệu tấn.

Dựa vào lượng đất hiếm nhu cầu hàng năm trong sản xuất đồ điện gia dụng, xe hơi của Nhật Bản hiện nay thì Nhật Bản có thể sử dụng trong 227 năm.

Ngoài ra, báo cáo khảo sát địa chất mới nhất cho thấy ở vùng biển Nhật Bản quản lý tàng trữ rất nhiều băng cháy, vì vậy Nhật Bản được coi là nước lớn tài nguyên tiềm tàng.

Nhìn vào thời gian, Kế hoạch hải dương cơ bản giai đoạn 2 sắp kết thúc, năm 2018 Nhật Bản bắt đầu phải xây dựng và thực hiện Kế hoạch hải dương cơ bản giai đoạn 3.

Trong kế hoạch giai đoạn 3 này, dự tính công tác trọng điểm quản lý biển cơ bản có 3 phương diện: Một là tiếp tục gia tăng mức độ cảnh giới lãnh hải. Hai là phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên biển có hiệu quả. Ba là nỗ lực bảo vệ đảo xa.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Nhìn vào thông tin được tiết lộ trên báo chí, trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ ra sức hành động dựa trên cơ sở bảo vệ hải đảo, đặc biệt việc bảo vệ và xây dựng hải đảo xa có người ở là quan trọng nhất.

Tại lễ khai mạc "Ngày hàng hải", Jun Matsumoto, người đứng đầu phụ trách chính sách biển Nhật Bản gọi các đảo nhỏ xa xôi là căn cứ địa quản lý vùng biển rộng lớn của Nhật Bản. Do đó, có thể thấy được sự quan tâm lớn và mức độ coi trọng của chính phủ Nhật Bản đối với việc bảo vệ đảo nhỏ.

Nói cách khác, trong thời gian thực hiện Kế hoạch hải dương cơ bản 5 năm tới, Nhật Bản sẽ nỗ lực quán triệt thực hiện Luật xử lý đặc biệt bảo vệ xã hội và bảo toàn khu vực đảo nhỏ có người ở khu vực biên giới" có hiệu lực từ ngày 1/4/2017.

Trong đó, chủ yếu thực hiện chính sách ưu đãi đối với đảo nhỏ ở khu vực biên giới xa xôi, tăng cường xây dựng hạ tầng cơ sở, tăng việc làm, thu hút và khuyến khích thanh niên cư trú ở các đảo nhỏ để tăng dân số thường trú.

Nhật Bản cho rằng các đảo nhỏ xa xôi liên quan chặt chẽ đến an ninh lãnh thổ, vì vậy tăng dân số thường trú ở các đảo nhỏ vẫn là biện pháp có hiệu quả nhất để bảo đảm an ninh lãnh thổ.

Trong lễ khai mạc "Ngày hàng hải", Nhật Bản còn tiết lộ, một trong những công tác trọng điểm của Kế hoạch hàng hải cơ bản giai đoạn 3 là tăng cường "cảnh giới lãnh hải".

Do đó, tranh chấp đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ đứng trước thách thức mới, hoạt động thường xuyên ở vùng biển đảo Senkaku của tàu công vụ Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với các thách thức mới và lớn từ việc Nhật Bản triển khai Kế hoạch hàng hải cơ bản giai đoạn 3.

Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Cankao
Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Cankao