TP. HCM xây chính quyền điện tử làm "nền móng" cho thành phố thông minh

VietTimes -- TP.HCM đặt chính quyền điện tử làm trung tâm để xây dựng thành phố thông minh. Mọi thông tin chỉ đạo điều hành, công việc sẽ được giám sát và theo dõi chặt chẽ, nhất là quá trình thực hiện chỉ đạo của các sở ngành, quận huyện; quá trình giải quyết hồ sơ tại các đơn vị.
Việt Nam lọt top các nước có chỉ số phát triển cao về Chính phủ điện tử
Việt Nam lọt top các nước có chỉ số phát triển cao về Chính phủ điện tử

Để hoàn thành xây dựng đề án “Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh” giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025; triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tại TP.HCM năm 2017.

Theo đó, TP.HCM xác định sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi và hiệu quả trong mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước TP làm cơ sở để phục vụ công tác cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin.

Đồng thời, TP sẽ xây dựng đô thị thông minh lấy chính quyền điện tử làm trung tâm để cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, đặc biệt là dịch vụ hành chính công. Mọi thông tin chỉ đạo điều hành, công việc sẽ được giám sát và theo dõi chặt chẽ, nhất là quá trình thực hiện chỉ đạo của các sở ngành, quận huyện; quá trình giải quyết hồ sơ tại các đơn vị.

Để đạt kế hoạch đề ra, TP.HCM đưa ra các mục tiêu cụ thể cho năm 2017, gồm tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt 30-40%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng điện tử đạt 15%, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính so với quy định trong các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế, tín dụng, xây dựng, đất đai.

Cùng với đó, 80% các văn bản chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ các văn bản, tài liệu có độ mật) được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; 100% gửi thư mời họp điện tử (trừ thư mời mật và các thư mời tổ chức các sự kiện quan trọng); 100% cán bộ công chức tại các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn sử dụng thư điện tử TP để trao đổi thông tin, giao dịch hành chính điện tử.

TP.HCM cũng xác định đến hết quý I/2017 sẽ hoàn thành các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trong danh mục các dịch vụ theo công văn số 2779/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia đối với 100% số thủ tục hành chính đã được Chủ tịch UBND TP công bố.