Thanh tra đường sắt: có cũng như không?

VietTimes -- Với 58 nhân sự, Thanh tra giao thông đường sắt đang chịu trách nhiệm “quản” gần 3.000 km đường sắt quốc gia. Với chuẩn “bốn không”: không trụ sở, không phương tiện, không thiết bị, không chế độ”. Không quá lời khi nói thanh tra giao thông đường sắt đang tồn tại trong tình thế có như không.
Không trụ sở, không phương tiện, không thiết bị, không chế độ... vai trò thanh tra giao thông đường sắt đang rất mờ nhạt
Không trụ sở, không phương tiện, không thiết bị, không chế độ... vai trò thanh tra giao thông đường sắt đang rất mờ nhạt

Ngay trong 3 tháng cao điểm về An toàn giao thông đường sắt, hàng chục đoàn kiểm tra bất thường của Cục ĐSVN do thanh tra GTĐS chủ trì, cùng với Tổng công ty, các công ty đã được tiến hành. Tuy nhiên, vẫn để xảy ra cháy toa xe hàng ở ga Sóng Thần, phải nhờ đến CA PCCC Bình Dương mới dập tắt.

Mới đây, vào 12h15 ngày 08/6, tàu khách Sài Gòn - Phan Thiết kéo 14 toa xe vào ga Sông Phan dừng trên đường rẽ, nhường đường cho tàu khách Thống Nhất SE6 vượt. Việc tổ chức chạy tàu không tốt nên để 1 đầu máy và 3 xe vượt ra khỏi mốc phía bắc ga, đe dọa an toàn. Các đoàn kiểm tra của thanh tra GTĐS đã phát hiện những lỗi không quay biển phòng về đs về vị trí ban đầu sau khi đón tàu (chắn km 775+527- Công ty CPQLĐS QN-ĐN), 2 gác ghi ga Tiền Trung bỏ nhiệm sở, khi về có mùi rượu bia…

Bốn không

Đến nay, sau 13 năm thành lập, thanh tra Đường sắt - theo luật là những công chức thanh tra chuyên ngành - có chức năng tham mưu cho Cục ĐSVN, bộ GTVT về công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của thanh tra Đường sắt lại không tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao và bản thân các văn bản quy định cũng có nhiều bất cập.

Theo đó, 58 công chức thanh tra đường sắt được chia làm 3 phòng, hoạt động theo địa bàn, lấy ranh giới là Diêu Trì, đèo Khe Nét. Phòng thanh tra khu vực 1 đông nhất với 28 nhân sự, khu vực miền Trung là 12 nhân sự và phía Nam là 18 người.

Sau hàng loạt tai nạn đường sắt, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu đánh giá toàn diện và chấn chỉnh lại công tác thanh tra đường sắt.
Sau hàng loạt tai nạn đường sắt, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu đánh giá toàn diện và chấn chỉnh lại công tác thanh tra đường sắt. 

Điều vô lý đầu tiên, Thanh tra đường sắt là quân số của Cục ĐSVN và bộ GTVT, nhưng chủ yếu phải đi ở nhờ các doanh nghiệp. Trong đó, trụ sở Phòng thanh tra khu vực 1 đóng ở ngã tư Khâm Thiên, Lê Duẩn, ở nhờ Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, cạnh 1 quán ăn khá nhếch nhác.

Đến nay, cả 3 phòng thanh tra cũng không có xe cộ làm phương tiện đi kiểm tra. Nói chính xác là có 3 xe, thì 1 xe hỏng nặng không có kinh phí sửa, 2 xe không đăng kiểm được đành trả lại Cục. Vì vậy, sau khi ra quân rầm rộ, các phòng thanh tra, hoặc nói khó doanh nghiệp mượn xe ô tô đi kiểm tra doanh nghiệp, còn lại chủ yếu là bám theo tàu, nên hiệu quả không cao. Thi thoảng, người ta vẫn bắt gặp hình ảnh thanh tra đường sắt đi xe máy kiểm tra tuần đường.

Thanh tra đường sắt hiện cũng đang thực thi công vụ mà không hề có phương tiện đo nồng độ cồn, thiết bị quay phim, ghi âm. Những tranh cãi với người vi phạm diễn ra như cơm bữa và tính pháp lý để xử phạt không cao.

Tại biên bản do một thanh tra đường sắt lập về vi phạm tại Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thái Hải chỉ ghi chung chung “có sử dụng bia rượu”, không có thông số nồng độ cồn. Thanh tra này giải thích, “do phải đo bằng mắt, ngửi bằng mũi nên bọn tôi chỉ dám ghi thế thôi”.

Hiện, các công chức thanh tra không còn chế độ phụ cấp 25% và phụ cấp thâm niên như trước đây nên không thể tuyển người giỏi, không động viên được anh em làm ngoài giờ, kiểm tra đêm khuya, bất thường. Mức lương trung bình của thanh tra đường sắt dao dộng quanh 5 triệu đồng/tháng.

Những bất cập kể trên khiến cho thanh tra đường sắt không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định. Nhiều lần các phòng thanh tra báo cáo, đề xuất lên cấp Cục, Bộ nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nhiều năm trong tình trạng “ở nhờ” tại các doanh nghiệp khiến các thanh tra đường sắt “khó ăn, khó nói” khi phát hiện các vi phạm. Chưa kể quy định thẩm quyền xử phạt từ 500 ngàn đồng trở lên thuộc Cục trưởng Cục ĐSVN, nên tạo những vướng mắc nhất định nếu các đội thanh tra đường sắt muốn làm nghiêm.

Đa số các hành vi xử phạt theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đều vượt quá thẩm quyền xử phạt của công chức thanh tra. Do đó, công chức thanh tra chỉ lập biên bản vi phạm hành chính và gửi về Cục ĐSVN để Cục trưởng ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.

Vì vậy, để đảm bảo thời gian quyết định xử phạt vi phạm hành chính là rất khó khăn. Trong năm 2017, Cục ĐSVN đã kiểm tra, phối hợp kiểm tra, xử phạt 1.043 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường sắt, nộp kho bạc Nhà nước hơn 552 triệu đồng. Một con số được cho là quá ít đối với những người am hiểu về đường sắt.

Hình ảnh các thanh tra đi xe buýt, xe ôm xử lý các vi phạm không tạo được uy thế của công thức thanh tra trong mắt dư luận và chính cả người vi phạm. Đều là các đơn vị được thành lập theo Nghị định số 57/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ về  tổ chức và hoạt động Thanh tra Ngành giao thông vận tải nhưng so với vai trò thanh tra của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam thì thanh tra Cục Đường sắt “lép vế” hơn nhiều.

Việt Nam hiện là thành viên Tổ chức Hợp tác Đường sắt Quốc tế (OSJD), Hiệp hội Đường sắt tiểu vùng Mê Công (GMRA). Khi hoạt động đường sắt không chỉ trong nước mà còn kết nối quốc tế, thì lực lượng thanh tra đường sắt như hiện nay có đáp ứng được không?.

Chất lượng thanh tra

Sau những vụ tai nạn liên tiếp, Bộ trưởng GTVT một mặt chỉ đạo chấn chỉnh công tác thanh tra giao thông đường sắt, mặt khác yêu cầu các lực lượng này vào cuộc. Đích thân Cục trưởng, Cục phó ĐS đã dần đầu các đoàn thanh tra kiểm tra đêm, kiểm tra bất thường tại các ga, đường ngang, chòi ghi…

Chỉ thời gian ngắn, tổng hợp các vi phạm của NLĐ bị các đoàn thanh tra đường sắt của Cục ĐSVN phát hiện, Tổng công ty ĐSVN đã xử lý 40 cá nhân, 1 tập thể (phòng Kỹ thuật- An, thuộc Công ty CP đường sắt Sài Gòn) ở các mức phê bình, khiển trách, hạ chất lượng công tác.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Trưởng phòng Thanh tra đường sắt khu vực 1: “Đúng đa số các hành vi xử phạt theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đều vượt quá thẩm quyền xử phạt của công chức thanh tra”.
 Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Trưởng phòng Thanh tra đường sắt khu vực 1: “Đúng đa số các hành vi xử phạt theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đều vượt quá thẩm quyền xử phạt của công chức thanh tra”.

Nhưng có thực tế, khá nhiều biên bản xử phạt hiện trưởng bị các đơn vị phản ứng vì không đúng với các quy định hiện hành. Ví dụ, thanh tra Cục đường sắt không nắm rõ về chế độ ban kíp Ga Phủ Lý (Chi nhánh Khai thác Đường sắt Hà Thanh) nên yêu cầu xử lý tổ dồn, trưởng ga này ngủ là không chính xác. Vì Thông tư 24/2015/TT-BGTVT ngày 5/6/2015 của Bộ GTVT quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi các công việc có tính chất đặc biệt trong giao thông đường sắt cho phép nghỉ ngơi tại chỗ với chế độ làm việc 24/24.

Thanh tra Cục đường sắt cũng không nắm rõ địa hình xung yếu, quy định tác nghiệp của tuần đường khi mưa to, gió lớn, nên lập biên bản về chậm giờ 30 phút (đêm 30/5) đối với Cung đường Sài Gòn không được người lao động “tâm phục, khẩu phục”. Nhiều lỗi lập biên bản quá vụn vặt, không đúng với tầm công chức thanh tra mà người ta kỳ vọng.

Trong khi đó, những việc quan trong hơn, như việc đưa vào khai thác hệ thống đóng đường 6502 của Trung Quốc đang hàng ngày đe dọa đến công tác an toàn chạy tàu, lại không thấy tiếng nói của thanh tra đường sắt và lãnh đạo Cục đường sắt.

Trong buổi làm việc với Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Vũ Tá Tùng mới đây, thêm lần nữa Giám đốc chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn thay mặt anh em làm chạy tàu kiến nghị tiếp về việc sử dụng thiết bị mất an toàn này.