Phó Thủ tướng: “Các trường hãy bỏ trong đầu nỗi sợ tự chủ”

VietTimes -- Tại Hội thảo “Tự chủ đại học – cơ hội và thách thức” diễn ra vào ngày 30/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị: “các trường hãy bỏ trong đầu nỗi sợ tự chủ sẽ không còn vốn ngân sách nữa.”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhiều trường có cách hiểu sai về tự chủ đại học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhiều trường có cách hiểu sai về tự chủ đại học.

Tự chủ không đơn thuần chỉ là tài chính

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cách hiểu tự chủ đại học hiện nay đang bị lệch quá nhiều sang tài chính. Nhiều trường quan niệm tự chủ đại học gắn liền với việc nhà nước không cấp tiền đầu tư nữa. Tuy nhiên, xét về xu thế thế giới và thực trạng hiện nay, chúng ta cần đổi mới cân bằng và toàn diện.

Nhưng tự chủ đại học không đơn thuần chỉ là tài chính mà còn có hai yếu tố cơ bản khác là tự chủ về chuyên môn, học thuật; tự chủ về bộ máy tổ chức. Có thể phần chi thường xuyên giảm dần để tăng tính tự chủ cho các trường nhưng nhà nước không cắt ngay. “Vì thế, các trường hãy bỏ trong đầu nỗi sợ nếu tự chủ sẽ không còn vốn ngân sách nữa,” Phó Thủ tướng nói.

Thực tế, hiện đã có 14 trường thực hiện tự chủ nhưng Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư. Trong đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị được cho vay vốn 50 triệu USD, Đại học Bách khoa Hà Nội đang trình tự chủ cũng được khoản vốn tương tự, Đại học Kinh tế quốc dân cũng được tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí.

Vẫn còn nhiều người lo tự chủ đại học sẽ giảm cơ hội học tập của con em nhà nghèo.

Tự chủ để nâng cao chất lượng

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, vướng thứ nhất là, khi tự chủ các trường có quyền quy định tăng học phí cao hơn. Điều này làm nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến cơ hội giáo dục của đối tượng người nghèo, chính sách.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng giải thích, việc tăng học phí là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, không thể giữ học phí thấp mãi được. Hiện tại nhiều học sinh trong nước vẫn ra nước ngoài học với học phí cao gấp cả trăm lần trong nước, hoặc học trường vốn nước ngoài ngay tại Việt Nam như RMIT.

Mặt khác, từ những người có khả năng đóng góp học phí cao, trường có thêm học bổng, cộng thêm chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn có thể đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh nghèo.

Tiếp theo là mô hình quản trị đại học, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây là vấn đề lớn nhất của các trường, phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hiệu quả. Khi trao cơ chế tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ trung ương cho các tỉnh, thành phố và địa phương.