Nguyên Chủ tịch TP Đà Nẵng nói gì về dự án hầm chui qua sông Hàn

VietTimes -- "Ông bà ta thường hay nói câu “dục tốc bất đạt” nghĩa là làm việc gì nhanh quá sẽ không thành công, điều này có lý lắm!", ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ.
Ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó Ban Tổ chức Trung ương
Ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó Ban Tổ chức Trung ương

Liên quan đến quyết định phê duyệt chủ trương xây dựng hầm chui qua sông Hàn vừa được UBND TP Đà Nẵng thông qua. Ngày 16/12, ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó Ban Tổ chức Trung Ương đã có những chia sẻ và suy ngẫm giành cho VietTimes đối với quyết định này.

- Từng là một lãnh đạo của TP Đà Nẵng từ thời ông Nguyễn Bá Thanh, ông đánh giá như thế nào về việc UBND TP Đà Nẵng quyết định chọn phương án xây dựng hầm chui qua sông Hàn?

Mấy ngày nay trên phương tiện thông tin đại chúng đưa tin lãnh đạo thành phố quyết xây hầm chui qua sông Hàn. Đọc kỹ nội dung các báo đăng cho thấy có 7 phương án được 11 đơn vị hợp thành 6 liên danh (cả trong và ngoài nước) trực tiếp trình bày với Hội đồng giám khảo do UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Sở GTVT Đà Nẵng tổ chức. 

Trong đó chỉ có một phương án liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC - Bộ GTVT) và Oriental Consultants Global Company LTD (Nhật Bản) đề xuất ý tưởng xây hầm chui qua sông dài 1.300m, còn lại 6 phương án đề nghị xây cầu. Phương án của BRITEC lần này khác với báo cáo phương án lần 1, có thêm điểm nhấn bằng nút giao thông khác mức và đường gom vào hầm ở phía bờ Tây (ảnh 1). Tổng mức đầu tư dự án 4.100 tỷ đồng, chi phí vận hành 26,4 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên theo Hội đồng giám khảo không có phương án nào hoàn hảo cho hầm chui hay cầu vượt . Phương án hầm chui có miệng hầm quá dốc và cong, không đảm bảo ATGT nên không được chọn. Thành phố đã có thông báo không có phương án nào đoạt giải. 

Như vậy là quá vội vàng, cập rập nên chất lượng cuộc thi không đạt được kết quả như mong muốn! 

- Ông có thể nói rõ hơn vì sao ông cho là quyết định vội vàng?

Các đề án dự thi về mặt ý tưởng thì đa số các đề án nghiêng về phương án làm cầu. Và thật ra trước đây khi xây dựng Cầu Thuận Phước cũng có ý tưởng đưa ra làm hầm chui qua sông Hàn, song qua cân nhắc với nhiều lý do nên không chọn phương án này. 

Chúng ta thử nhìn lại quá trình diễn biến của chủ trương xây dựng công trình qua sông Hàn trong thời gian qua. Đó là ngày 15/6/2015, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp để nghe đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm và các sở ngành báo cáo phương án thiết kế, thi công và nguồn vốn xây dựng hầm qua sông Hàn. 

Theo đại diện Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm, dự án hầm qua sông Hàn có điểm nối từ đường 3/2 - Đống Đa (quận Hải Châu) đến vòng xoay đường Vân Đồn (quận Sơn Trà). Hầm có chiều dài 1.315m, trong đó đoạn hầm chìm dài 900m, còn lại là hầm hở, hầm có 6 làn xe. Thời gian thực hiện dự án là ba năm, bắt đầu từ quý 4-2016, tổng số vốn là 4.088 tỉ đồng. Kế hoạch phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào quí II/2016, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào quí III/2016, khởi công dự án vào quí IV/2016, hoàn thành bàn giao công trình vào quí ĨV/2019.

Tiếp đến tháng 12/2015 Công ty này tiếp tục báo cáo dự án chính thức tại cuộc họp về công tác quy hoạch- kiến trúc về phương án đường hầm từ nút giao thông Đống Đa- 3 tháng 2-Bạch Đằng đến nút giao thông Vân Đồn- Trần Thánh Tông quận Sơn Trà. 

Tuy nhiên, sau khi có nhiều ý kiến trái chiều, ngày 22/12/2015, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, và các đơn vị có liên quan thống nhất phương án làm hầm đường bộ qua sông Hàn. Theo đó UBND TP thống nhất không tổ chức thi tuyển chỉ tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, đoàn thể, hiệp hội với cơ quan có liên quan đối với phương án thiết kế hầm vượt sông, giao cho sở GTVT mời thêm các nhà tư vấn khác tham gia để có nhiều phương án lựa chọn.

Tiếp đến, tháng 4/2016 Chủ tịch UBND TP ký văn bản yêu cầu sở Giao thông Vận tải thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan để khởi công xây dựng công trình chậm nhất trong tháng 7.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nên ngày 24/6/2016, Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản số 91-TB-TU giao cho Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP tổ chức thi tuyển quốc tế phương án đầu tư công trình vượt sông Hàn báo cáo Thường vụ trong quí 3/2016. Và ngày 1/7/2016, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn có văn bản 4759/UBND-QLĐTư giao sở giao thông chủ trì triển khai thi tuyển quốc tế, theo lời ông Lê Văn Trung GĐ sở GTVT cho hay việc đưa ra phương án hầm chui hoặc cầu là tuỳ các đợn vị dự thi.

Sau thời gian nộp hồ sơ thì kết quả dự thi chỉ có 01 phương án đề nghị xây hầm, 06 phương án đề nghị xây cầu. Kết quả không có phương án nào đạt yêu cầu.

Đà Nẵng, hầm chui, qua sông Hàn, VietTimes, Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch, UBND TP Đà Nẵng, Phó Ban Tổ chức Trung ương
Theo ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó Ban Tổ chức Trung ương , Đà Nẵng cần cân nhắc đối với dự án xây hầm chui qua sông Hàn, tránh "dục tốc bất đạt"

- Như vậy là TP Đà Nẵng đã làm đúng quy trình chứ thưa ông? 

Nhìn lại quá trình trên chúng ta sẽ thấy việc đưa ra chủ trương phương án hầm chui ban đầu là quá vội vã. Mỗi lần họp thì vốn đầu tư lại thay đổi từ 3.094 tỷ lên 4088 tỷ, rồi lên 4.100 tỷ đồng.., đến khâu thiết kế kỹ thuật chắc lại lên nữa, khi thi công lại lên nữa. 

Vì theo thực tế với những công trình ở Đà Nẵng đã đầu tư trong thời gian qua thường quyết toán kinh phí tăng gấp 2,5 đến 3 lần so với dự toán ban đầu. 

- Nếu cần để có một công trình mang tính đột phá, giải quyết các bài toán quy hoạch mà Đà Nẵng đang cần thì việc bỏ chừng ấy tiền ra để làm cũng đáng để "đầu tư" chứ thưa ông?

Bây giờ thì chúng ta sẽ bàn thêm xem phương án hầm chui có gì đặc biệt ngoài các yếu tố như Hội đồng tuyển chọn đã đề cập ở trên. Và sẽ thấy việc xây hầm chui sẽ đối mặt với những gì?

Nếu nói là do yếu tổ cảnh quan của sông Hàn nên làm hầm chui thế thì tại sao lại đưa cái cầu vượt giao khác cốt nằm sừng sững ở ngay nút giao thông bên bờ Tây sông Hàn vậy. Theo phương án đưa ra, nút giao thông này lớn chứ không nhỏ. Nó sẽ chắn tầm nhìn bốn phía, phía đường Bạch Đằng đi xuống, phía đường Như Nguyệt đi lên, phía Đống Đa 3/2 đi tới, làm chia cắt mất đi con đường kéo dài cùng bờ sông Hàn ra cầu Thuận Phước để ra biển. 

Trong khi đó nút giao hiện nay đang yên bình, thông thoáng nhưng bỗng dung có một nút giao Trumpet (thuật ngữ ngành cầu đường nút giao thông có đường cong khép kín khác cốt giống kèn đồng Trumpet) trong nội thành làm rối ren, phức tạp, che chắn tầm nhìn. Và bờ Tây sông Hàn bị xẻ bởi đường hầm hở kẹp nhô ra sông, khiến bờ sông như bị khuyết tật rách môi mất thẩm mỹ.

Tôi còn nhớ năm 2006, trong phiên họp do anh Thanh (ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc bấy giờ) cùng tôi chủ trì vói các sở, ban, ngành xem xét đồ án kéo dài đường Bạch Đằng có dự kiến đưa vào một cao ốc tại nơi này nhưng xét thấy bị che chắn tầm nhìn bốn phía nên quyết định không đưa vào nữa mà giữ lại làm nút giao thông như hiện nay. Lúc đó anh Huỳnh Đức Thơ còn làm Giám đốc sở KHĐT, anh Nguyễn Ngọc Tuấn làm Giám đốc Sở Xây dựng, anh Đặng Việt Dũng làm Giám đốc Sở GTVT. Tôi không nghĩ là các anh ấy quên hết rồi (!?). 

Thêm nữa, Hội đồng giám khảo cho rằng hầm chui có miệng hầm quá dốc và cong. Bây giờ sửa lại cho đảm bảo yêu cầu thì sẽ đội vốn đầu tư lên nhiều hơn nữa.

Trong khi đó, Đà Nẵng nằm ở vùng thường xuyên có bão, khi đó mực nước sông Hàn sẽ vượt đường Như Nguyệt đổ vào miệng hầm thì rất nguy hiểm. Tôi còn nhớ các cơn bão lớn đổ bộ vào Đà Nẵng, mực nước đã tràn qua cả đường Bạch Đằng thì đây là vấn đề cần phải xem xét khi chọn phương án hầm.

Bên cạnh đó, nếu nối 2 bờ tây và đông sông Hàn tại các điểm nối giao thông thì 2 đầu hầm so le, cách khá xa thì việc xây hầm chui sẽ không cần thiết. 

Còn việc lãnh đạo Đà Nẵng muốn có một công trình tầm cỡ điều đó rất hoan nghênh nhưng cần xem xét yếu tố là đã bức xúc chưa? Trong khi Đà Nẵng còn nhiều việc cấp thiết cần đầu tư như: bãi đậu xe, khu xử lý rác thải, nước thải ô nhiễm ở sông Phú Lộc, nước thải đổ ra biển, trật tự trị an, an sinh xã hội...Trong khi đó phương án chọn thì chưa rõ lắm, không có trong quy hoạch, kinh phí quá lớn, sự đồng thuận của người dân chưa cao. 

- Vậy theo ông, lãnh đạo Đà Nẵng cần làm gì để không phải trả giá đối với quyết định xây dựng hầm chui qua sông Hàn?

Theo tôi lãnh đạo TP Đà Nẵng nên tiếp tục nghiên cứu cho kỹ để tránh phá vỡ quy hoạch. Không có gì phải vội vàng, cần lấy ý kiến thêm các chuyên gia, ý kiến của nhân dân trên tinh thần cầu thị. 
Chúng ta nên nhớ rằng trong toán học đối ngược với cái đúng là sai, đối ngược với cái sai là đúng. Nhưng trong bài toán quy hoạch, đời sống xã hội thì đối ngược với đúng là sai, nhưng đối ngược với cái sai chưa hẳn là cái đúng vì bên cạnh cái đúng bao giờ cũng có nhiều cái sai kèm theo, vì vậy mới có câu chuyện từ sai lầm này đến sai lầm khác. 

Ông bà ta thường hay nói “dục tốc bất đạt” nghĩa là làm việc gì nhanh quá sẽ không thành công, điều này có lý lắm!.

- Xin cảm ơn ông!