Nga tung đòn tại Syria và Ukraine, Mỹ-NATO phải gờm

VietTimes -- Nga không chỉ muốn đàm phán với phương Tây và quảng cáo vũ khí ở chiến trường Syria mà còn muốn trở thành một người chơi quyền lực lớn ở Trung Đông. Đồng thời Nga cũng muốn trở thành ông lớn ở khu vực Baltic, đặc biệt là tại Ukraine, Business Insider phân tích.
Phi công Nga tham chiến tại Syria trước giờ xuất kích
Phi công Nga tham chiến tại Syria trước giờ xuất kích

Theo Business Insider, Nga dường như đang sử dụng Syria làm nơi thử nghiệm và quảng cáo các loại vũ khí tiên tiến nhất của mình.

Theo báo Mỹ, trong vài năm trở lại đây, Mátxcơva đã nỗ lực để quảng bá các hoạt động và thiết bị của mình đang được sử dụng trên chiến trường Syria, đồng thời phủ nhận mọi liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine.

Omar Lamrani, một nhà phân tích của Stratfor, trả lời Business Insider rằng "Nga đang sử dụng Syria để giới thiệu vũ khí của mình nhằm mục đích xuất khẩu", ông Lamrani cũng đặc biệt nhấn mạnh đến máy bay chiến đấu Su-34 và các loại tên lửa hành trình của Nga.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Nga hôm 24/5 đã đưa tin rằng Kremlin đang thử nghiệm bộ trang phục chiến đấu cho người lính mới tại Syria với biệt danh “người lính tương lai”.

"Thiết bị tác chiến Ratnik là một hệ thống gồm các thiết bị bảo vệ và liên lạc tiên tiến, vũ khí và đạn dược", TASS cho hay, "Hệ thống này bao gồm khoảng 40 thiết bị bảo vệ và cứu trợ, cho phép binh lính liên tục cập nhật thông tin về tình hình trong khu vực chiến đấu. Ngoài ra, Ratnik còn có một bộ phận sưởi ấm độc lập, một ba lô, một bộ lọc nước, mặt nạ phòng hơi độc và một bộ thiết bị y tế”.

Nga thậm chí còn đang phát triển đồng phục chiến đấu Ratnik-3, một phiên bản cao cấp của Ratnik được "bổ sung thêm một bộ khung chắc chắn và một mũ bảo hiểm tích hợp hệ thống xác định mục tiêu”.

Trong khi đó, Algeria đã đặt hàng 12 máy bay cường kích tối tân SU-34 Nga SUV vào tháng 1/2016, trong khi nhiều nước khác đã tỏ ra quan tâm tới các thiết bị của Nga, bao gồm Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Nigeria, Uganda và Ethiopia.

Phi công Nga kiểm tra chiến đấu cơ Su-34 trước khi xuất kích tại chiến trường Syria
Phi công Nga kiểm tra chiến đấu cơ Su-34 trước khi xuất kích tại chiến trường Syria

Chiến đấu cơ siêu cơ động SU-35 của Nga, loại máy bay được Nga sử dụng thường xuyên ở Syria, cũng đang bán rất chạy. Trung Quốc đã đặt mua 24 chiến đấu cơ này hồi tháng 11/2015, Indonesia mua 10 chiếc vào tháng 4/2016, và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất cũng đã mua 10 chiếc trong tháng 3/2017. Nhiều loại chiến đấu cơ hiện đại khác, bao gồm cả SU-30M, cũng đã nhận được rất nhiều đơn hàng kể từ khi Nga tham chiến ở Syria.

Và Mátxcơva không hề che giấu doanh thu từ việc bán vũ khí nói trên. Trên thực tế, Nga đã chủ định thông báo rộng rãi về việc xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị trên các phương tiện truyền thông do nhà nước bảo trợ.

Mátxcơva cũng đã có cơ hội tốt để giới thiệu các loại tên lửa hành trình trong chiến dịch quân sự tại Syria, thậm chí theo báo Mỹ là đã sử dụng chúng kể cả vào những thời điểm không cần thiết. Vào cuối năm 2015, Nga đã tấn công “thủ đô” tự xưng Raqqa của IS bằng tên lửa hành trình Kalibr từ tàu ngầm tàng hình Rostov-on-Don.

"Các tên lửa phóng từ tàu ngầm là vũ khí chính trị nhắm vào Washington chứ không phải là mục tiêu nhằm vào IS", ông Chris Harmer, chuyên gia phân tích hải quân cao cấp tại Viện nghiên cứu chiến tranh phân tích trên Foreign Policy vào năm 2015. "Không có lý do chiến thuật nào để Nga phóng tên lửa hành trình. Họ đang sử dụng những thứ này để thể hiện cho thế giới thấy sức mạnh của họ".

Chiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr từ biển Caspian tấn công mục tiêu khủng bố tại Syria khiến Mỹ và NATo sửng sốt
Chiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr từ biển Caspian tấn công mục tiêu khủng bố tại Syria khiến Mỹ và NATO sửng sốt

Nga không chỉ "muốn thể hiện mình là một cường quốc mà còn muốn dùng Syria làm cái cớ đàm phán với Mỹ", ông Lamrani nhận định với Business Insider.

Theo tờ báo Mỹ, Mátxcơva đã cố gắng chứng tỏ cho phương Tây thấy rằng Nga đang chiến đấu chống lại IS với hy vọng Mỹ và EU sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với họ kể từ sau vụ sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Mỹ và phương Tây cáo buộc Mátxcơva can dự vào tình hình Ukraine, trong khi Nga luôn công khai phủ nhận mọi liên quan tới cuộc chiến ở miền đông Ukraine, nơi mà phương Tây luôn cho rằng Kremlin đã triển khai quân đội và thậm chí còn tài trợ và dẫn dắt lực lượng dân quân ly khai chống lại chính quyền Kiev.

Chiến lược quan hệ công chúng của điện Kremlin tại Ukraine khác với chiến lược ở Syria vì "Nga coi Ukraine là quốc gia anh em, và cuộc chiến tranh ở Ukraine không có gì tốt đẹp đối với Nga”, ông Matthew Czekaj, thành viên Chương trình liên kết Châu Âu và Á-Âu tại Jamestown Foundation, lý giải với Business Insider.

Đội quân
Đội quân "những người lịch sự" trong chiến dịch Nga sáp nhập bán đảo Crimea

Theo báo cáo của Carnegie Endowment, trên thực tế Mátxcơva đã triển khai quân tới biên giới Ukraine. Ông Lamrani cho rằng điều này không chỉ tạo điều kiện cho quân đội Nga có cơ hội tốt huấn luyện một cách hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn, nó còn giúp quân đội Nga có được những kinh nghiệm chiến đấu trong điều kiện xung đột hiện đại.

Ông Czekaj nhận định Nga hoạt động bí mật ở Ukraine vì Mátxcơva lo ngại nguy cơ cuộc chiến ở Ukraine có thể khiến NATO trả đũa.

Cuối cùng, Business Insider kết luận việc Nga đưa ra các chiến lược công khai thừa nhận ở Syria và không thừa nhận sự liên quan ở Ukraine là vì những mục tiêu khác nhau ở mỗi nước. Nga không chỉ muốn đàm phán với phương Tây và quảng cáo vũ khí ở Syria mà còn muốn trở thành một người chơi quyền lực lớn ở Trung Đông. Đồng thời Nga cũng muốn trở thành ông lớn ở khu vực Baltic, đặc biệt là tại Ukraine.