“Nga “hạng hai” trong mắt Mỹ, Donald Trump trước sau sẽ bất hòa với ông Putin“

Báo Pháp nhận định mặc dù tân tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ thiện cảm với tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng trước sau ông Trump cũng sẽ bất hòa với ông Putin. Và Nga chỉ là nhân tố hạng hai. Mỹ tốt nhất nên tập trung kiềm chế Trung Quốc, duy trì sự hiện diện quân sự quan trọng tại châu Á-Thái Bình Dương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuần báo Pháp L’Obs đặt câu hỏi, mối quan hệ phức tạp giữa ông Trump và Putin liệu sẽ quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ? Sau vụ công bố báo cáo gây sốc của một cựu điệp viên Anh, tổng thống Nga liệu có gây áp lực được lên tân tổng thống Mỹ? Và nếu hai cường quốc này liên minh với nhau sẽ gây ra những hậu quả nào đối với châu Âu?

Tất cả những hành động của ông Donald Trump, từ việc sử dụng liên tục Twitter, từ chối nhượng lại việc kinh doanh để tránh xung đột lợi ích cho đến chọn lựa các cộng sự, khó tin nhất là những "bước nhảy tango" với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Và báo cáo điều tra của thám tử tư Anh thậm chí còn nói đến nghi vấn gây sốc rằng vào năm 2013 ông Trump vui thú với các cô gái Nga trong một khách sạn sang trọng ở Matxcơva. Thông tin trên đã khiến tổng thống Nga Putin mai mỉa và tuyên bố những kẻ đứng sau câu chuyện bịa tạc đó còn tồi tệ hơn cả gái điếm.

Theo giáo sư Ruth Ben-Ghiat ở Đại học New York, cảm tình của ông Trump đối với ông Putin không có gì đáng ngạc nhiên, vì những người tính cách mạnh thường hợp nhau.

Mối liên hệ này càng được củng cố bởi những cộng sự của ông cũng gắn bó với Nga. Paul Manafort, chiến lược gia trong vận động tranh cử của ông Trump, đã từng làm việc cho cựu tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanoukovitch. Cố vấn an ninh Michael Flynn từng ăn tối với ông Putin trong bữa tiệc vinh danh kênh tuyên truyền RT của Nga. Ngoại trưởng được đề cử Rex Tillerson từng được Nga tặng huân chương hữu nghị, và phản đối trừng phạt Matxcơva. Còn cố vấn chiến lược Steve Bannon thì không giấu diếm sự ngưỡng mộ đối với ông Putin «rất, rất, rất thông minh».

Theo tờ báo Pháp, ông Trump và cộng sự đều chủ trương một tính toán chiến thuật kiểu «tôi để Crimea cho anh, nhưng anh không được động đến các nước vùng Baltic và chúng ta cùng nhau giải quyết vụ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS)». Tân tổng thống Mỹ tạm thời duy trì trừng phạt Nga, nhưng sẵn sàng dỡ bỏ nếu Nga chứng tỏ thiện chí.

Giới chính khách Mỹ ngạo mạn cho rằng nước Nga của ông Putin đối với Mỹ chỉ là một nhân tố hạng hai so với tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc. Trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu, Nga nay chỉ là cái bóng mờ của người khổng lồ Liên Xô cũ. Mặt khác, các lợi ích của Nga khác với Mỹ. Chuyên gia William Burns cáo buộc «Putin tin rằng để tái lập sức mạnh Nga là phải phá hoại trật tự do Mỹ lãnh đạo, đặc biệt tại châu Âu và cũng ở Trung Đông».

Tất cả những nghịch lý này đã lộ rõ mới đây khi các nhân vật chủ chốt trong nội các được ông Donald Trump bổ nhiệm ra điều trần trước thượng viện. Họ phát biểu hoàn toàn trái với ông Trump. Tướng James Mattis (quốc phòng) cho rằng ông Putin muốn phá vỡ NATO, còn về hiệp định với Iran dù không hoàn hảo cũng nên giữ lời hứa. Còn ông Mike Pompeo (CIA) nói Nga chẳng làm gì để giúp tiêu diệt nhóm khủng bố IS, lại còn muốn tác động vào nền dân chủ Mỹ. Rex Tillerson (ngoại giao) nhận định Nga là mối nguy hiểm. Theo Washington Post, thế nên Matxcơva bỗng nguội đi nhiệt tình với ông Trump.

L’Obs cho rằng mối nguy từ cặp đôi Putin-Trump là sự thiếu logic và thiếu vắng chiến lược đường dài của tân tổng thống Mỹ. Tờ báo Pháp dẫn nhận xét của tờ Foreign Policy cho rằng chính quyền ông Trump thực thi chính sách đối ngoại thiếu nguyên tắc, với sự chỉ đạo ngẫu hứng "một cách nguy hiểm và nguy cơ thất bại đặc biệt cao».

Tờ báo Pháp nhắc lại những vụ án gián điệp nổi tiếng giữa Nga và Mỹ từ trước chiến tranh lạnh đến nay. Từ vụ tình báo Nga tìm cách chiêu dụ phu nhân tổng thống Franklin Roosevelt năm 1935, KGB tung tin phá hoại uy tín nhân vật nổi tiếng Mỹ năm 1971, hay nữ điệp viên Anna Kouchtchenko (Anna Chapman) bị bắt năm 2010…Ngược lại, CIA cũng từng hậu thuẫn các nhà văn Nga Andrei Sakharov và Alexandre Soljenitsyne.

«Trước sau gì, Trump cũng sẽ bất hòa với Putin», đó là nhận định của chuyên gia Eliot A.Cohen, cựu cố vấn của bà Condoleezza Rice. Ông cho biết cả phía Cộng hòa lẫn Dân chủ, không có mấy người thân Nga. Cũng như thượng nghị sĩ John McCain, đại đa số các nghị sĩ Mỹ đều cho rằng cần duy trì các liên minh quân sự, nhất là NATO, trong khi ông Trump liên tục có những phát biểu gây lo ngại cho châu Âu. Nhưng họ tin đến một ngày nào đó, ông Putin sẽ qua mặt Donald Trump, và rồi ông Trump sẽ thay đổi thái độ với ông chủ điện Kremlin.