Mỹ đẩy mạnh việc chống Trung Quốc lấy cắp các kỹ thuật nhạy cảm

VietTimes -- Tiếp sau việc lên tiếng yêu cầu chính phủ khôi phục việc thực hiện trừng phạt công ty ZTE, Quốc hội Mỹ nay đồng thời quan tâm đến việc Huawei (Hoa Vi) - một công ty khoa học kỹ thuật hàng đầu Trung Quốc gây nên mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Mỹ và kiến nghị yêu cầu Nhà Trắng điều tra “Kế hoạch nghiên cứu sáng tạo Huawei” và tình hình hợp tác giữa công ty Trung Quốc này với mấy chục trường đại học Mỹ.
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ điều trần tại Ủy ban Quân vụ Quốc hội hôm 21/6.
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ điều trần tại Ủy ban Quân vụ Quốc hội hôm 21/6.

Theo The Washington Post, hôm 20/6, 26 nghị sĩ thuộc hai đảng do Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Hạ nghị sĩ Jim Banks đứng đầu đã cùng ký tên vào bức thư liên danh gửi bà Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos, yêu cầu bộ này thành lập tổ chuyên trách để điều tra việc Công ty Huawei của Trung Quốc hợp tác kỹ thuật với hơn 50 trường đại học của Mỹ và tiếp nhận thông báo của các quan chức cao cấp giới tình báo và tư pháp Mỹ về việc chính phủ Trung Quốc đang có mưu đồ thông qua “Kế hoạch Made in China 2025” để xưng bá toàn cầu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Trong thư, các nghị sĩ này bày tỏ, họ tin rằng những hạng mục hợp tác giữa Huawei với các trường đại học gây nên mối đe dọa nghiêm trọng  đối với an ninh quốc gia nước Mỹ, chính phủ cần phải hết sức chú ý và thực hiện giám sát, quản lý. Công ty Huawei đã thông qua “Kế hoạch nghiên cứu sáng tạo Huawei” tài trợ các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu tiến hành các hạng mục nghiên cứu về kỹ thuật thông tin, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực liên quan.

Ông Eric Chewning
Ông Eric Chewning 

Từ nhiều năm nay, giới tình báo Mỹ luôn cảnh báo công ty Huawei có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và quân đội Trung Quốc, lo ngại các thiết bị của Huawei ở Mỹ có thể bị chính phủ Trung Quốc sử dụng vào hoạt động gián điệp, tấn công mạng hoặc tình báo kinh tế. Ngoài ra, Ủy ban thông tin liên bang Mỹ còn đề ra quy định mới, theo đó những chính quyền bang hay địa phương nào mua những thiết bị thông tin, điện tử của nước ngoài gây nguy hại đến an ninh quốc gia sẽ không được chính phủ liên bang tài trợ nữa. Khi giải thích về quy định mới này, Ủy ban đã đặc biệt chỉ đích danh các công ty ZTE và Huawei của Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, Lầu Năm Góc cũng đang tiến hành điều tra các hạng mục hợp tác giữa các trường đại học Mỹ với các công ty Trung Quốc. Hôm 21/6, ông Eric Chewning, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Vụ Chính sách công nghiệp và Chế tạo đã phát biểu tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ nghị viện, tiết lộ Bộ Quốc phòng đang thẩm tra một số trường đại học đang đồng thời hợp tác với cả Lầu Năm Góc và công ty Trung Quốc. Ông nói, cốt lõi của vấn đề là, Trung Quốc cho các công ty của họ lợi dụng môi trường học thuật cởi mở của các trường đại học Mỹ còn họ thì thực thi chính sách đóng cửa.

Ông Eric Chewning nói: “Chúng tôi đang thẩm tra nội dung các thỏa thuận hợp tác về các hạng mục nghiên cứu của các trường đại học. Nói cụ thể hơn, liên quan đến vấn đề cốt lõi là mô thức sáng tạo của Mỹ là mở cửa, đối thủ của chúng ta thâm nhập được vào mô thức đó còn họ thì lại vận hành theo mô thức đóng kín. Chúng ta cần tìm kiếm cách giải quyết vấn đề này dưới tiền đề không phương hại đến sự thành công của thể chế chúng ta”.

Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách lĩnh vực nghiên cứu và công trình Michael Griffin cũng phát biểu tại cuộc điều trần, nói: Bộ Quốc phòng không nên có quan hệ với các trường đại học Mỹ đang có hợp tác với các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực kỹ thuật nhạy cảm.

Ông Michael Griffin nói: “Bộ Quốc phòng Mỹ không nên dính dáng đến các trường đại học đang có quan hệ trực tiếp với chính phủ Trung Quốc, nhưng tôi lo rằng chúng ta chưa cảnh giác đủ mức. Đương nhiên sự hợp tác có liên quan đến lợi ích quốc gia giữa các trường đại học và cơ quan an ninh quốc gia đã có mấy chục năm lịch sử; đó là một trong những thực lực hùng mạnh của chúng ta, nhưng sự hợp tác đó vẫn diễn ra trong bối cảnh đối thủ của nước Mỹ đã thâm nhập vào thì thật không sáng suốt. Chúng ta càng phải quan tâm sâu sắc hơn đến vấn đề này”.

Ông Michael Griffin nói, hiện nay có hơn 30 ngàn sinh viên Trung Quốc đang theo học hoặc làm luận án Tiến sĩ về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công trình, toán học trong các trường đại học Mỹ; các bộ, ngành của chính phủ đều cần chú trọng xem xét liệu cục diện đó có gây nguy hại đến lợi ích quốc gia của nước Mỹ hay không?.

Bộ Quốc phòng đã gửi tới Ủy ban Quân lực Quốc hội Mỹ một bản tuyên bố, trong đó viết: các cơ sở kỹ thuật và công nghiệp của Bộ Quốc phòng Mỹ đang đứng trước mối đe dọa chưa từng thấy; việc toàn cầu hóa và mở cửa về học thuật và thương mại đã khiến Trung Quốc có thể lấy được các thông tin và kỹ thuật vô cùng quan trọng liên quan đến khả năng tác chiến trong tương lai; Trung Quốc đang đầu tư quy mô lớn có mục đích đối với các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, xe hơi tự động, an ninh mạng và kỹ thuật máy bay không người lái. Để đoạt lấy được kỹ thuật của nước khác, Trung Quốc đang đồng thời tiến hành các hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp. Trung Quốc đang nhằm đến mục tiêu là các phòng nghiên cứu, thí nghiệm của các trường đại học, các ngành tư nhân (trong đó có một số hãng thầu của Bộ Quốc phòng) và cả chính phủ Mỹ.

Văn bản này cũng cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát hiện Trung Quốc đang chuyển dịch kỹ thuật thông qua các phương thức phi truyền thống, bao gồm chiêu mộ nhân tài, hợp tác học thuật và tham dự vào các chuỗi cung ứng của Mỹ. Thông qua “Kế hoạch ngàn người” đề ra năm 2008, Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm, giành lấy các nhân tài về công trình và kỹ thuật của các nước trên thế giới để họ phục vụ các ngành công lập và tư nhân của Trung Quốc.

Hồi đầu tháng 6, Nhà Trắng cũng đã tuyên bố, từ 11/6 sẽ thực hiện siết chặt việc cấp phép cho người Trung Quốc đến các trường đại học Mỹ nghiên cứu về các chuyên ngành, lĩnh vực kỹ thuật nhạy cảm như robot, không gian, chế tạo công nghệ cao; thời hạn visa cũng từ 5 năm hạ xuống còn 1 năm. Được biết, những lĩnh vực đó chính là chủ công trong kế hoạch “Made in China 2025”.

Ngoài ra, theo hãng AP, Bộ thương mại Mỹ gần đây đã lập ra một bản danh sách các công ty Mỹ; theo đó các ngành liên quan của chính phủ sẽ thực hiện xem xét thẩm định nghiêm ngặt việc các công ty này nhận các công dân Trung Quốc vào nghiên cứu hay làm công tác quản lý.

Tần Thụ Nhân, công dân Trung Quốc vừa bị bắt hôm 21.6
Tần Thụ Nhân, công dân Trung Quốc vừa bị bắt hôm 21.6 

Cũng liên quan đến việc chống Trung Quốc lấy cắp kỹ thuật, cùng ngày 21/6, Viện Kiểm sát liên bang Mỹ đã thông báo bắt giữ một công dân Trung Quốc bị cáo buộc hợp mưu với một cơ sở nghiên cứu quân sự của Trung Quốc để đưa trái phép thiết bị sử dụng cho tác chiến chống tàu ngầm sang Trung Quốc.

Theo hãng ABC, hôm 21/6, công dân Trung Quốc Tần Thụ Nhân (Shuren Qin), 41 tuổi, trú ở Wellesley, bang Massachusetts đã bị bắt vì tội lừa đảo visa và hợp mưu vi phạm “Điều lệ xuất khẩu nước Mỹ”. Văn bản của tòa án chỉ rõ, Tần Thụ Nhân đã xuất khẩu phi pháp gần 80 thiết bị dùng cho việc dò tìm và đo đạc âm thanh dưới nước cho một cơ quan nghiên cứu quân sự trực thuộc quân đội Trung Quốc (PLA). Người này đã nói dối hãng cung ứng Mỹ, che giấu thân phận thật của nơi nhận hàng rồi xuất khẩu những mặt hàng này cho Đại học Công nghiệp Tây Bắc ở thành phố Tây An. Theo quy định thì những mặt hàng này bị cấm đưa khỏi lãnh thổ Mỹ nếu không có giấy phép.