Lê Anh Xuân -- Người tạo nên “Dáng đứng Việt Nam"

VietTimes -- Với người giáo già, nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân, tác giả của  “Dáng đứng Việt Nam” -- bài thơ nổi tiếng phản ánh khí phách hiên ngang, dũng mãnh của các chiến sĩ giải phóng quân trong trận đánh ác liệt, đẫm máu tại sân bay Tân Sơn Nhất đêm 31/01/1968, lại là một cậu bé ngoan hiền và vô cùng ít nói.
Ca Lê Hiến- Lê Anh Xuân
Ca Lê Hiến- Lê Anh Xuân

Cậu học trò giỏi ít nói

Thầy Hồ Khắc Đính, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A, 7A mà nhà thơ Ca Lê HIến (Lê Anh Xuân) đã học khi theo bố mẹ tập kết ra Bắc năm 1954, đến nay vẫn nhớ như in người học trò năm xưa. Trò chuyện với ông tại căn nhà của ông ngay cạnh bên Nhà Thờ Hà Nội, gần Ngày thương binh liệt sỹ 27/7, nhà giáo Hồ Khắc Đính vừa với tay lấy quyển Album có ảnh của các học trò của mình. Ông ngậm ngùi xem lần lượt từ trên xuống. Ông bảo mấy người đã hy sinh ở chiến trường miền Nam trong đó có Ca Lê Hiến. Lặng đi hồi lâu để như hình dung người học trò năm xưa, ông nói, Ca Lê Hiến là học sinh hiền ngoan và vô cùng ít nói.

Lê Anh Xuân -- Người tạo nên “Dáng đứng Việt Nam" ảnh 1
Nhà giáo Hồ Khắc Đính nhớ lại một thế hệ học trò của mình

Câu chuyện của ông như cuốn người nghe vào cái không gian của năm 1954, khi chiếc “tàu há mồm” đưa cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết cập bến Sầm Sơn. “Tàu há mồm đưa các anh ấy ra về ở La Khê (Hà Đông), rồi Đan Phượng (Hà Tây cũ), sau đó lên Phúc Thọ rồi mới chuyển xuống Hải Phòng. Ngày ấy các cháu học sinh lớp 5 thì rất nhiều lớp nhưng lớp 6 chỉ có 2 lớp. Tôi chủ nhiệm lớp Ca Lê Hiến. Ca Lê Hiến làm tôi nhớ nhất là vì cậu ấy học rất giỏi cả văn lẫn toán nhưng lại hiền lành ít nói…”- ông Đính nhớ lại.

Lê Anh Xuân (trái) và nhà văn Anh Đức
Lê Anh Xuân (trái) và nhà văn Anh Đức

Uống một ngụm trà do người con trai pha mời bố và khách, ông nói tiếp:  “Ngày ấy những lúc lớp hội họp cậu ấy hay đứng ở một chỗ rồi lặng lẽ nhìn mọi người. Là người học giỏi nhưng cậu ấy rất ngoan và rất nhường nhịn người khác. Ở Hải Phòng ngày ấy, thầy trò chúng tôi chung vách, thầy và trò hay tâm sự lắm. Cái mà tôi được nghe nhiều nhất là các em tâm sự về nỗi nhớ nhà nhớ quê”. Nói rồi ông chỉ cho tôi Ca Lê Hiến đang đứng nghiêm ngắn trong bức ảnh đen trắng hiếm hoi của lớp chụp ngày ấy. Những bức ảnh ấy được ông để cẩn thận trong cuốn Album của gia đình.

Từ chối du học, tình nguyện đi chiến đấu… 

Sau khi học xong lớp 7, Ca Lê Hiến tiếp tục học ở Trường phổ thông trung học Nguyễn Trãi, Hà Nội rồi vào học khoa Sử, ĐH Tổng hợp Hà Nội. Bài thơ đầu tiên ra mắt bạn đọc với nhan đề “Nhớ mưa quê hương” là dòng cảm xúc thương nhớ da diết miền Nam, đã chiếm được cảm tình của độc giả và đoạt giải nhì trong cuộc thi thơ năm 1960 của Tạp chí Văn nghệ.

Tốt nghiệp đại học, Ca  Lê Hiến được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở khoa Sử và được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng ông từ chối để trở về Nam chiến đấu và ông đã hy sinh năm 1968 khi ấy ông mới 28 tuổi.

Thầy Hồ Khắc Đính bảo, tôi chỉ dạy Ca Lê Hiến hai năm nhưng mỗi lần nghe bài hát Nguyễn Chí Vũ phổ thơ cậu ấy tôi lại thấy tự hào mình là con dân nước Việt! Ca Lê Hiến đã hy sinh nhưng có thể nói thơ của cậu ấy “đã tạc” vào tâm hồn biết bao người Việt trong những lúc cam go nhất của cuộc chiến chống ngoại bang xâm lấn…

Hội thảo về sự nghiệp văn chương của Lê Anh Xuân
Hội thảo về sự nghiệp văn chương của Lê Anh Xuân

Giọng ông Đính vang lên nhè nhẹ: 

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất 
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng 
Và anh chết trong khi đang đứng bắn 
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng. 
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng 
Có thằng sụp xuống chân anh tránh đạn 
Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm 
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công 
Anh tên gì hỡi anh yêu quý 
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng 
Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ 
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong 
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ 
Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường 
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ: 
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân. 
Tên anh đã thành tên đất nước 
Ôi anh Giải phóng quân! 
Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất 
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

(Dáng đứng Việt Nam – tác giả Lê Anh Xuân)

Đọc xong bài thơ người thầy đã 86 tuổi bảo, hồi nghe tin Ca Lê Hiến hy sinh tôi mở Album lấy tấm ảnh chụp lớp có Ca Lê Hiến ở trong đó khi là học sinh giỏi của lớp đến đưa cho gia đình em ấy!

Nhà thơ Lê Anh Xuân (bìa trái)
Nhà thơ Lê Anh Xuân (bìa trái)

Ông Đính lặng im hồi lâu mới nói tiếp:  “Tôi là giáo viên dạy Toán, Lý, Hóa và môn Sinh chứ không dạy môn Văn, nhưng mỗi lần nghe bài hát hay  ai đó đọc bài thơ một cảm xúc lại trào dâng. Nhiều người bảo bài thơ được viết bằng “máu nóng trái tim mình”!

Nhà thơ Lê Anh Xuân sinh ngày 5/6/1940, tên khai sinh là Ca Lê Hiến, tại Bến Tre, trong một gia đình trí thức yêu nước, là con trai thứ của nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học Ca Văn Thỉnh.

Năm 12 tuổi, Ca Lê Hiến vừa học vừa tập việc trong chiến khu, ở nhà in Trịnh Đình Trọng (thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ). Năm 1954, anh tập kết ra Bắc cùng gia đình, học hết phổ thông ở Trường học sinh miền Nam (Hải Phòng) và Trường Nguyễn Trãi (Hà Nội). Năm 1959, được tuyển thẳng vào Khoa Lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Ca Lê Hiến được giữ lại trường làm giảng viên. Cuối năm 1964, Ca lê Hiến “xếp bút nghiên” trở về quê hương chiến đấu tại chiến trường Miền Nam. Ngày 24/5/1968, Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân hi sinh trong chiến dịch Mậu Thân tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, Huyện Cần Đước, tỉnh Long An.