Hà Nội: Thí điểm kết nối máy tính tiền của doanh nghiệp TMĐT với cơ quan thuế

VietTimes -- Theo kế hoạch, trong năm 2017, TP. Hà Nội sẽ triển khai một số giải pháp thuế điện tử để tăng cường quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), thí điểm kết nối máy tính tiền của doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với hệ thống cơ quan thuế.
Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Theo Kế hoạch phát triển TMĐT năm 2017 trên địa bàn thành phố Hà Nội mới được UBND Thành phố ban hành, một trong những mục tiêu cụ thể được UBND TP Hà Nội đề ra trong kế hoạch là trong năm nay đưa tỷ trọng doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa  và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố, tăng 1% so với năm ngoái.

Cùng với việc giữ vững thứ hạng từ thứ 2 trở lên trong cả nước về Chỉ số TMĐT - EBI hằng năm, UBND Thành phố cũng đặt mục tiêu đạt được các chỉ tiêu cụ thể như: tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến năm nay đạt 63% số người sử dụng Internet trên địa bàn Hà Nội, tăng 3% so với năm 2016; 80% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 60% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, website cập nhật thông tin và bán sản phẩm của doanh nghiệp; đồng thời phấn đấu 80% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán của khách hàng bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đề đạt được các mục tiêu đã đề ra, tại kế hoạch mới ban hành, UBND TP Hà Nội xác định rõ những nội dung công việc được Thành phố tập trung triển khai. Cụ thể, Thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, cụ thể là Cục TMĐT và CNTT để quản trị cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện nghĩa vụ đăng ký/thông báo theo quy định tại địa chỉ mạng http://online.gov.vn.

Điều hành hiệu quả website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” có địa chỉ mạng tại http://bandomuasam.hanoi.gov.vn để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực, du lịch, giải trí… trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh việc phát triển Logistics, mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng hóa phục vụ hoạt động TMĐT, tăng khả năng kết nối giao dịch giữa Hà Nội với các địa phương khác trong cả nước, Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển các dịch vụ trực tuyến như: dịch vụ du lịch trực tuyến; dịch vụ đặt phòng/khách sạn trực tuyến; dịch vụ đặt chỗ, mua vé máy bay, tàu hóa, tour du lịch… trực tuyến.

Đồng thời, trong năm nay, Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng TMĐT để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thực  phẩm trên địa bàn thành phố. Khuyến khích thiết lập các website/ ứng dụng TMĐT chuyên ngành kinh doanh nông sản, thực phẩm; hình thành các “chợ nông sản, thực phẩm” uy tín, bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trên môi trường mạng; đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR đã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng mã hình QR in trên tem chống hàng giả, tem xác thực hoặc các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại.

Theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam - EBI năm 2017 được Hiệp hội TMĐT Việt Nam công bố ngày 24/2 vừa qua, điểm số của 4 nhóm chỉ số thành phần (gồm hạ tầng nguồn nhân lực và CNTT, giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng – B2C, giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp - B2B, giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp - G2B lần lượt là 93,7; 69,2; 64,4 và 76, đều cao hơn nhiều so với mức điểm trung bình của cả nước.