Hà Nội bất ngờ muốn cho xe buýt thường “lấn làn” buýt nhanh

VietTimes -- Sau 4 tháng Hà Nội yêu cầu tổng lực cơ quan chức năng dẹp đường cho buýt nhanh BRT, sử dụng công cụ hiện đại giám sát, xử lý mọi phương tiện lấn làn thì hôm qua (28/4), ông Nguyễn Đức Chung bất ngờ chỉ đạo các đơn vị thí điểm cho phép buýt thường được “lấn làn” buýt nhanh.
Buýt thường có hệ thống cửa mở bên phải trong khi đó nếu đi vào làn ưu tiên buýt nhanh thì hệ thống cửa phải bên trái như buýt nhanh BRT mới phù hợp.
Buýt thường có hệ thống cửa mở bên phải trong khi đó nếu đi vào làn ưu tiên buýt nhanh thì hệ thống cửa phải bên trái như buýt nhanh BRT mới phù hợp.

Báo điện tử VnExpres vừa dẫn thông tin từ lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tại phiên làm việc của tập thể lãnh đạo UBND thành phố sáng 28/4, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã giao các đơn vị liên quan tổ chức thí điểm xe buýt thường được phép lưu thông tại làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.

Theo đó, ông Chung cho rằng lượng hành khách trung bình mỗi xe buýt nhanh BRT chỉ 34 người, cao nhất chưa đạt 48 khách, trong khi sử dụng làn xe riêng là chưa hợp lý.

“Sở Giao thông cần nghiên cứu, làm việc với Tổng công ty Vận tải để trước mắt thí điểm 6 tháng việc cho các loại xe buýt khác đi vào làn BRT, sau đó nghiên cứu mở rộng thêm một số phương tiện khác”, ông Chung chỉ đạo.

Trước đó, để chuẩn bị cho việc vận hành thử nghiệm tuyến buýt nhanh BRT Hà Nội đã phải ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành. Trong đó, thành phố đã phải tổng lực huy động các lực lượng công an giao thông, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương,... để dẹp đường cho buýt nhanh chạy.

Ngoài ra, thực hiện dự án Thành phố cũng lắp rất camera giám sát trên toàn tuyến buýt nhanh; rồi thông qua hệ thống loa phát thanh gắn trên đường Hà Nội thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông không được “lấn làn” buýt nhanh.

Với chỉ đạo mới này trên tuyến ưu tiên buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ có 2 hệ thống nhà chờ dành cho riêng cho buýt nhanh và buýt thường.

Điểm khó cho buýt thường là hệ thống cửa mở của xe nằm ở bên phải, trong khi đó nếu đặt nhà chờ tại giải phân cách thì hệ thống cửa mở phải nằm bên trái như buýt nhanh BRT mới có thể vận hành được.

Với kết cấu hạ tầng có phần khác nhau, khó tương thích như vậy, có lẽ Hà Nội lại tiếp tục mất thêm thời gian để nghiên cứu thay đổi.