Chính sách CNTT đang bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài

VietTimes - Luật khi sinh ra phải thiết lập được sự cạnh tranh bình đẳng chứ không nên bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, Luật CNTT cần hiệu chỉnh lại, có những quy định với doanh nghiệp trong nước cần đi theo hướng không cấp phép mà chuyển sang hậu kiểm, giảm bớt các thủ tục hành chính.

Trao đổi về bất cập trong lĩnh vực nội dung số tại Việt Nam, tại tọa đàm "Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới", do Bộ TT&TT tổ chức chiều qua (15/8), ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, ở khâu hành động trong mục tiêu (Kiến tạo - Hành động - Liêm chính) có khá nhiều vấn đề. Luật CNTT có quy định chung, có điều lại khá chi tiết, quy định của pháp luật khi triển khai quả thực khiến doanh nghiệp lúng túng, làm quá trình hành động chậm. Luật CNTT nói về các dịch vụ CNTT liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp... các Bộ chủ quản ngành này phải có văn bản hướng dẫn, nhưng thực tế chưa có văn bản hướng dẫn được ban hành.

Ông Cường dẫn ví dụ cụ thể, khi triển khai nông nghiệp thông minh, một doanh nghiệp nhỏ của Hội muốn làm và ký một hợp đồng với một đơn vị làm nông nghiệp thông minh, triển khai dịch vụ bay flycam để phun thuốc. Khi ký kết hợp đồng, nếu chiểu theo văn bản quy định không thấy có gì vướng mắc, nhưng khi thực hiện tự nhiên xuất hiện một văn bản của Bộ Quốc phòng yêu cầu phải xin phép khi bay flycam, doanh nghiệp đó làm rất nhiều thủ tục hành chính giấy tờ, từ xin phép giấy nhập khẩu thiết bị đến giấy phép bay, bay ở khu vực nào cánh đồng nào cũng phải xin phép, đây là một tình huống không liên quan trong quy định của Luật nhưng bỗng dưng xuất hiện.

Các doanh nghiệp truyền thông và nội dung số đang mong muốn được bình đẳng, bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong nước, bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhỏ - vừa - lớn, giữa doanh nghiệp tư nhân với nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp xuyên biên giới, FDI.

“Luật khi sinh ra phải làm được điều ấy, không phải luật sinh ra bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài do đó cần hiệu chỉnh lại, có những quy định với doanh nghiệp trong nước phải đi theo hướng không cấp phép mà chuyển sang hậu kiểm, giảm bớt các thủ tục hành chính. Cụ thể, doanh nghiệp nội dung số hầu hết là doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn lực và nội lực của mình là chính nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện bị đối xử bất bình đẳng ngay trong nước”, ông Cường bày tỏ.

Dẫn thêm ví dụ, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, doanh nghiệp CP bị bất bình đẳng với các nhà mạng, bản thân các nhà mạng thay vì làm hạ tầng làm nền tảng của các nền kinh tế khác, bản thân doanh nghiệp tập trung chưa cao, xã hội chưa thực sự được hưởng từ các dịch vụ do các doanh nghiệp này cung cấp. Nhưng các nhà mạng cũng nuôi dưỡng các doanh nghiệp nội dung số.

“Chúng tôi đã có số liệu chứng minh có hiện tượng bù chéo thông qua báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này, bù chéo bằng biện pháp kỹ thuật thông qua hệ thống billing tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. Từ đó chính sách của nhà mạng với doanh nghiệp nội dung số không ổn định, họ tự do điều chỉnh theo hệ thống như bốc thuốc. Ví dụ có ngày hệ thống billing bị trục trặc, họ tự lấy số liệu nào đó bù vào, doanh nghiệp nội dung bị thiệt phải chịu”, ông Nguyễn Xuân Cường bất bình.

Theo đó, doanh nghiệp nội dung số trực thuộc nhà mạng tạo ra bức tranh méo mó cho ngành nội dung số, sự phân chia giữa các doanh nghiệp nội dung và nhà mạng biến động không ngừng, nhà mạng thích thế nào chia như thế, ban đầu chia 60% cho CP, sau giảm 50%, 40%, thậm chí có 30%, chính sách của nhà mạng không ổn định khiến các doanh nghiệp nội dung không muốn đầu tư dài hạn, ngành nội dung số có nguy cơ teo tóp.

Cách mạng 4.0, IoT phải phát triển mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng hiện nay tỷ lệ thanh toán qua thẻ cào rất lớn, trong khi các nước tỷ lệ dùng thẻ cào rất ít. Trung Quốc trước đây cũng dùng thẻ cào nhưng giờ nếu không dùng ví điện tử sẽ không không thanh toán được.

Từ đó, ông Xuân Cường đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông điều chỉnh lại, nếu Bộ không tác động thì tỷ lệ thẻ cào rất lớn, thẻ cào vẫn là tiền mặt. Việc này cần làm ngay nhằm giảm chi phí thanh toán kết nối, nâng cao sự cạnh tranh.

Toàn cảnh Hội thảoToàn cảnh tọa đàm "Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới", do Bộ TT&TT tổ chức chiều qua (15/8). Ảnh: Bùi Phú.

Đồng thuận với vị Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho biết: Liên quan đến lĩnh vực nội dung số, doanh nghiệp trong nước đưa ra các kiến nghị được bình đẳng, nhà nước cần hoạch định ra các chiến lược cho từng lĩnh vực trong ngành CNTT- viễn thông nói chung là cần thiết.

Ông cho rằng, từ ý kiến về việc các công ty viễn thông lớn của Việt Nam đang nuôi các doanh nghiệp nội dung số của họ, Bộ TT&TT cần ghi nhận và có chính sách quản lý phù hợp đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cho ngành nội dung số phát triển.

Khi các doanh nghiệp nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam thì phải xin giấy phép. “Để đáp ứng yêu cầu này, họ thuê tư vấn, chỉ 1 tuần họ có giấy phép. Khi ấy, các doanh nghiệp trong nước có ‘’chiến đấu” lại được không, chắc chắn họ vẫn là người khổng lồ (…). Câu chuyện chiến đấu với “người khổng lồ” xuyên biên giới không phải câu chuyện về quản lý mà là cuộc chiến về công nghệ, con người và nền tảng”, ông Bùi Quang Ngọc nói.

Ông Ngọc cũng dẫn ra trường hợp cách đây hơn chục năm, khi Intel muốn đặt nhà máy ở Việt Nam, cả hệ thống chính trị của Việt Nam thời bấy giờ phải vào cuộc để Intel có thể đầu tư được. Tương tự, “Samsung cũng vậy, nếu không ưu đãi, không khuyến khích, họ bỏ đi sang các nước lân cận ngay”, ông nói thêm.