Cận cảnh robot điều khiển bằng sóng não và cử chỉ của con người

VietTimes -- Phòng thí nghiệm Computer Science and Artificial Intelligence Laboratory thuộc trường đại học MIT, Mỹ, cho biết họ đã thành công trong việc tạo ra một robot có thể điều khiển được bằng sóng não và cử chỉ của con người, mở ra một bước tiến dài trong cuộc cách mạng tự động hóa, giúp con người tương tác với robot không khác gì giữa con người với nhau.
Một hệ thống do trường MIT phát triển cho phép con người điều khiển robot bằng cách sử dụng các cử chỉ và sóng não của chúng ta (Ảnh MIT CSAIL)
Một hệ thống do trường MIT phát triển cho phép con người điều khiển robot bằng cách sử dụng các cử chỉ và sóng não của chúng ta (Ảnh MIT CSAIL)

Nếu muốn robot phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thì điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra được những phương thức và kỹ thuật phù hợp để sử dụng nhằm điều khiển và điều chỉnh chính xác chúng bất cứ lúc nào ta cần.

Thông thường, các kỹ sư muốn có các kỹ thuật lập trình và xử lý ngôn ngữ nâng cao cho một tác vụ như vậy, nhưng tất cả những phương pháp trên không mang lại đủ tính linh hoạt cho robot, đặc biệt là khi có nhiều tác vụ cần phải giải quyết.

Đây là lý do tại sao một tại phòng thí nghiệm Computer Science and Artificial Intelligence Laboratory thuộc trường đại học MIT đã phát triển một hệ thống mới, cho phép chúng ta điều khiển robot bằng sóng não và cử chỉ bằng tay của mình.

Mặc dù ý tưởng điều khiển máy móc bằng trí não của chúng ta nghe có vẻ quá khó tin, nhưng các nhà nghiên cứu đã chứng minh hệ thống này đã vận hành thành công và thực sự sắp được đưa ra ứng dụng thực tế.

Một hệ thống do trường MIT phát triển cho phép con người điều khiển robot bằng cách sử dụng các cử chỉ và sóng não của chúng ta (Ảnh MIT CSAIL)
Một hệ thống do trường MIT phát triển cho phép con người điều khiển robot bằng cách sử dụng các cử chỉ và sóng não của chúng ta (Ảnh MIT CSAIL) 

Như các nhà nghiên cứu cho biết ý tưởng này xoay quanh trọng tâm là việc phát hiện ra những tín hiệu liên quan đến khả năng xảy ra sai sót hoặc những sóng não cụ thể phát ra một cách tự nhiên khi chúng ta thấy một sai sót trong tác vụ mà ta đã cài đặt cho robot. Ví dụ, nếu một con robot đang gây ra một sai sót trong khi đang thực hiện một công việc đã được lập trình và con người phát hiện được sai sót đó, thì bộ tín hiệu liên quan đến sai sót (ErrPs) tự động được phát ra trong não người.

Khi robot thực hiện sai tác vụ, thì hệ thống phát hiện ra các sóng não – thông qua một loạt các điện cực được gắn trên da đầu – và điều khiển robot ngừng hoạt động ngay lập tức, cho phép con người có điều kiện để điều chỉnh lại giúp robot sửa sai.

Chính xác thì đây là giai đoạn thứ hai của quá trình này. Để điều khiển một con robot, con người cần phải đưa ra một số cử chỉ bằng tay nhất định, các cử chỉ này được một giao diện tính toán hoạt động cơ tay phát hiện và truyền về hệ thống. Khi nhận được tín hiệu này, thì hệ thống sẽ kích hoạt robot một lần nữa và nhắc nhở robot thực hiện chuyển động chính xác.

“Bằng cách quan sát tín hiệu cơ bắp và trí não, chúng ta có thể bắt đầu hiểu nhanh các cử chỉ tự nhiên của con người tương ứng với những quyết định đột xuất của họ xem có điều gì sai sót không. Điều này giúp con người tương tác với robot chẳng khác gì chúng ta đang tương tác lẫn nhau”, ông Joseph DelPreto, trưởng nhóm nghiên cứu của hệ thống này cho biết.

Trong một video được công bố, nhóm nghiên cứu đã chứng minh những khả năng của hệ thống này bằng cách giao nhiệm vụ cho một robot có tên Baxter, do công ty Rethink Technologies sản xuất. Robot phải di chuyển một mũi khoan vào ba mục tiêu trên một tấm bảng. Khi robot này mắc lỗi trong việc lựa chọn mục tiêu, thì sự kết hợp giữa các sóng não và cử chỉ của người ngồi phía sau làm nhiệm vụ điều khiển robot này sẽ giúp robot lựa chọn đúng mục tiêu. Trong các trường hợp thử nghiệm, robot này có thể lựa chọn đúng mục tiêu từ 70 đến 97%.

Nhóm nghiên cứu cho biết hệ thống này có thể tạo ra một cuộc cách mạng về việc chúng ta điều khiển và quản lý những con robot làm việc trong các nhà máy, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu và phát triển thêm trong tương lai. Một công nghệ như thế này có thể hỗ trợ cho những người công nhân gặp khuyết tật về ngôn ngữ, cơ bắp hay khuyết tật đi lại.

“Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này đó là không cần phải dạy cho những người dùng phải nghĩ theo một cách bắt buộc. Hệ thống này tự thay đổi thích nghi với người dùng”, ông DelPreto cho biết.