Cá biển chết hàng loạt: Xử lý nghiêm, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào

Sáng 24.4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) kiểm tra tình hình cá biển chết hàng loạt. Ông Dũng yêu cầu, nếu cá biển chết do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chủ động gây ra, thì phải xử lý nghiêm, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát tình hình cá biển chết tại Hà Tĩnh
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát tình hình cá biển chết tại Hà Tĩnh

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đi thị sát hai xã Kỳ Hà, Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) - nơi xảy ra tình trạng cá, tôm chết thời gian qua. Chiều cùng ngày, đoàn đã có buổi làm việc tại thị xã Kỳ Anh để nắm thông tin và nghe lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện tỉnh Hà Tĩnh báo cáo sự việc.

Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch thị xã Kỳ Anh cho biết, số lượng cá chết trên địa bàn tới nay khoảng 10 tấn. Là khu vực đông dân, trong đó có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc, việc cá biển chết nhiều gây tâm lý bất an.

Về nguyên nhân cá chết, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện tỉnh Hà Tĩnh cho hay vẫn đang truy tìm. "Độc tố làm cá chết có thể là sinh học, hóa học hay là một loại nào khác. Cũng không loại trừ khả năng có một số chất độc như cyanua", ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Nông nghiệp nêu quan điểm.

Bày tỏ lo ngại trước những loại độc tố có thể khiến cá chết, Phó thủ tướng yêu cầu cần tìm hiểu rõ xuất xứ từ đâu. "Nếu thấy rằng mình chưa đủ khả năng để kết luận thì hãy hợp tác với quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế có đầy đủ thiết bị, có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ để tìm nguyên nhân", ông nhấn mạnh.

Phó thủ tướng nhấn mạnh "Làm gì thì làm, dân cũng phải có lợi. Mục tiêu cuối cùng là vì dân". Ảnh Đức Hùng

Phó thủ tướng nhấn mạnh "Làm gì thì làm, dân cũng phải có lợi. Mục tiêu cuối cùng là vì dân". Ảnh Đức Hùng

Sau khi nghe ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường phát biểu rằng hệ thống quan trắc ở các địa phương xảy ra tình trạng cá chết mỗi tỉnh chỉ có một trạm, do đó để xác định đúng thì rất mất thời gian, Phó thủ tướng đánh giá nhiều chỗ quan trắc còn để hình thức, chưa phát huy được hiệu quả. Ông yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh phải kết nối mạng tới các hệ thống quan trắc, các ban ngành liên quan cần khẩn trương làm rõ nguyên nhân, đưa ra kết luận khách quan, thận trọng, và phải có sự thống nhất.

"Thực tế thời điểm đầu xảy ra hiện tương cá chết, công tác tập trung nghiên cứu khắc phục và đánh giá của các địa phương còn lúng túng, chưa chủ động", Phó thủ tướng đánh giá.

Việc tăng cường kiểm soát môi trường, yêu cầu kiểm tra định kỳ tất cả doanh nghiệp quy mô lớn có hệ thống thải khí, xả thải ra tự nhiên ra sông biển, ao hồ cũng là vấn đề rất bức bách. "Nếu như các tổ chức, doanh nghiệp, hoặc bất kỳ ai cố tình làm nguy hại đến môi trường thì sẽ xử lý nghiêm", Phó thủ tướng nói.

Kết thúc buổi làm việc, ông Trịnh Đình Dũng yêu cầu các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế phải thống kê thiệt hại, chủ động kịp thời thăm hỏi bà con, hỗ trợ gia đình nghèo không ra khơi được nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất kinh doanh. "Làm gì thì làm, dân phải có lợi. Mục tiêu cuối cùng là vì dân", ông nói.

Từ ngày xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, những hộ dân kinh doanh buôn bán tôm hùm, mực nhảy ở cảng Vũng Áng trăn trở bởi quán hàng vắng khách, đối mặt với thua lỗ. Ảnh: Đức Hùng

Từ ngày xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, những hộ dân kinh doanh buôn bán tôm hùm, mực nhảy ở cảng Vũng Áng trăn trở bởi quán hàng vắng khách, đối mặt với thua lỗ. Ảnh: Đức Hùng

Khoảng ba tuần qua, dọc bờ biển Hà Tĩnh xảy ra hiện tượng cá nuôi và cá tự nhiên trên biển chết hàng loạt. Hàng chục tấn cá bị sóng đánh vào bờ, giắt vào khe đá, nhiều con thối rữa. Hiện tượng bất thường này sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, nhiều người dân và một số nhà khoa học đặt nghi vấn về hệ thống xả thải của dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Tại cuộc làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vào chiều 23/4, đại diện lãnh đạo các Bộ, tỉnh đều đưa ra giả thiết nguyên nhân cá chết hàng loạt là do độc tố rất mạnh từ môi trường.

Trước một số thắc mắc cho rằng Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa xả thải độc ra môi trường, dùng hóa chất súc rửa đường ống, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường cho hay đã đặt thẳng vấn đề thảo luận với công ty Formosa. Qua đó, bước đầu cho thấy họ đảm bảo đúng tiêu chuẩn hoạt động công nghiệp, được cấp phép xả thải nguồn nước, việc cam kết về lập sự cố ứng phó toàn cầu cầu, các chất thải phát sinh ra môi trường cũng được thực hiện nghiêm túc.

Nhiều thông tin cho rằng Formosa dùng hóa chất độc hại súc rửa đường ống xả thải, ông Nhân thông tin từ khi đường ống đi vào hoạt động tới nay đã súc rửa 3 lần, 2 lần vào năm 2015 và lần gần đây nhất là đầu năm 2016. Hiện đoàn công tác đã lấy mẫu rất chi tiết, cử các chuyên gia giỏi nhất tìm hiểu, làm rõ tác động các tác nhân phía trong nhà máy có ảnh hưởng tới môi trường hay không. Khoảng 5 ngày nữa sẽ có kết quả.

"Ống xả thải của họ là bình thường, chỗ đặt điểm ống xả thải có phao báo hiệu, do đó không thể nói là bí mật được người dân phát hiện. Quy trình xử lý, xả thải đó là hợp pháp. Ngày xưa cũng có một công ty xả thải trái phép, nhưng đó là họ làm trộm, còn đơn vị này làm công khai", ông Nhân nói.

Theo VnE