Ban hành cáo trạng truy tố Trầm Bê và Phạm Công Danh

VietTimes -- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã ban hành cáo trạng truy tố ông Trầm Bê, Phạm Công Danh và 44 bị can khác trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (khoảng 6.000 tỷ đồng tại 4 ngân hàng).
Ông Trầm Bê và ông Phạm Công Danh. Ảnh: BT
Ông Trầm Bê và ông Phạm Công Danh. Ảnh: BT

Theo đó, ông Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, và các đồng phạm, bị truy tố vì gây hậu quả nghiêm trọng cho 4 ngân hàng gồm Sacombank, TPBank, BIDV, VNCB.

Cụ thể, sau khi được chấp thuận phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank - sau đổi tên thành VNCB) vào tháng 9/2012, ông Phạm Công Danh đã lợi dụng vị trí là Chủ tịch HĐQT VNCB đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành và ban kiểm soát của VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện lập các hồ sơ khống vay vốn để rút tiền sử dụng.

Thời điểm này VNCB đang bị NHNN trong diện kiểm soát đặc biệt, mọi giao dịch trị giá 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát NHNN. Do đó, ông Danh không có hi vọng vay tiền từ ngân hàng VNCB.

Để vay được tiền, ông Phạm Công Danh đã gặp ông Trầm Bê khi ấy đang là phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank đặt vấn đề vay tiền. Ông Danh đã được ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang – Tổng Giám đốc Sacombank khi ấy giúp sức rút tiền của VNCB.

Theo đó, tháng 4/2013, ông Danh và các lãnh đạo ngân hàng, chi nhánh của VNCB đã làm thủ tục vay 1.800 tỷ đồng cho 6 công ty sân sau của ông Danh tại Chi nhánh Sacombank ở Quận 8 và chi nhánh Trần Hưng Đạo (Tp HCM), với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Khi 6 công ty của ông Danh không trả được tiền, Sacombank đã cấn trừ các khoản tiền gửi của VNCB tại ngân hàng này.

Như vậy, dù Sacombank không bị thiệt hại trong việc cho vay nhưng sự giúp sức của Trầm Bê và Phan Huy Khang đã giúp Phạm Công Danh rút tiền của VNCB gây thiệt hại cho VNCB – cáo trạng của VKSNDTC kết luận

Tại ngân hàng TPBank, ông Danh và đồng phạm tiếp tục dùng tiền gửi của VNCB tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn TPBank để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty TNHH MTV Trung Dung (gọi tắt là Công ty Trung Dung) do ông Danh thành lập. Qua đó gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỷ đồng.

Tại BIDV, ông Danh cũng dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty do ông Danh thành lập và đứng tên trên hồ sơ vay, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỷ đồng.

Hiện, cáo trạng của VKSNDTC đã tống đạt tới các bị can, thủ tục chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND Tp.HCM – cơ quan được ủy quyền nắm quyền công tố và kiểm sát xét xử để đưa vụ án ra xét xử tại Tòa án nhân dân Tp.HCM.