Ấn Độ đáp trả Trung Quốc bằng đòn hiểm ngoại giao

VietTimes -- Trong bổi ảnh đối đầu căng thẳng ở biên giới Trung - Ấn leo thang, Ấn Độ đã có nhiều "động tác nhỏ" trong quan hệ với Đài Loan. Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng "một Ấn Độ" thì mới đáp lại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Epochtimes.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Epochtimes.

Tân Hoa xã ngày 3/8 cho rằng gần đây Ấn Độ đã tích cực sử dụng “quân bài” Đài Loan để “chơi” Trung Quốc.

Trong cuộc thi toán học quốc tế năm 2017 do Ấn Độ tổ chức, đội toán học Trung Quốc bất ngờ hủy bỏ tham gia, đội của Đài Loan đã được phép cầm cờ vùng lãnh thổ này tham gia lễ khai mạc và bế mạc.

Trước đây trong tham gia hoạt động tương tự, đội Trung Quốc đại lục và đội Đài Loan thảo luận trước việc có cầm cờ hay không để tránh tranh cãi. Lần này Ấn Độ làm như vậy chủ yếu thể hiện thái độ “bất mãn” trước sự vắng mặt của đoàn Trung Quốc đại lục.

Theo bài báo, trong thời gian một tuần, Ấn Độ đã 4 lần thể hiện một số “động tác nhỏ đặc biệt” đối với vùng lãnh thổ Đài Loan.

Ngoài cuộc thi toán học, ngày 27/7, 2 sinh viên Đài Loan đến Ấn Độ du lịch, khi xin giấy tờ đi vào thủ phủ Shimla của bang Himachal, khu vực lân cận Kashmir, họ đã bị từ chối do hộ chiếu có chữ “China”.

Điều này cho thấy chính quyền Ấn Độ luôn có sự “phân biệt đối xử” với du khách Trung Quốc đại lục và du khách Đài Loan. Du khách Đài Loan hoàn toàn không nằm trong phạm vi hạn chế của các khu vực nhạy cảm như Kashmir.

Ngày 31/7, khi tiếp ông Ngô Đôn Nghĩa, Chủ tịch đắc cử Quốc Dân đảng của Đài Loan, giáo sư Madhav Nalapat, khoa địa - chính trị, Đại học Manipal, Ấn Độ đã nhắc tới cựu lãnh đạo Đài Loan Tưởng Giới Thạch trước đây từng đến thăm Ấn Độ, đồng thời còn mời ông Ngô Đôn Nghĩa có thể đến thăm Ấn Độ vào thời gian thích hợp.

Những lời này có ý nghĩa sâu xa. Giáo sư Madhav Nalapat bày tỏ hy vọng trong tương lai ông Ngô Đôn Nghĩa “sẽ không quên người bạn tốt Ấn Độ”.

Đội toán học Đài Loan tham gia cuộc thi toán học quốc tế ở Ấn Độ. Ảnh: Sina.
Đội toán học Đài Loan tham gia cuộc thi toán học quốc tế ở Ấn Độ. Ảnh: Sina.

Tuần trước, trên trang bìa tạp chí India Today kỳ mới nhất của Ấn Độ đã đăng bản đồ Trung Quốc, nhưng bản đồ này không hề có vùng lãnh thổ Đài Loan và Tây Tạng. Ngày 27/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tỏ thái độ không hài lòng.

Những sự việc này diễn ra trong thời điểm đối đầu căng thẳng giữa Trung - Ấn ở khu vực biên giới leo thang, nên Tân Hoa xã cho rằng Ấn Độ đang sử dụng “quân bài” Đài Loan để chơi Trung Quốc.

Ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố một tài liệu mang tên “Sự thực lực lượng biên phòng Ấn Độ vượt biên xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc ở đoạn Sikkim, biên giới Trung - Ấn và lập trường của Trung Quốc”.

Trung Quốc muốn sử dụng tài liệu này để phê phán và tuyên truyền ra bên ngoài nhằm tìm cách nói xấu Ấn Độ. Tài liệu này cho rằng từ ngày 18/6 đến nay, số người “vượt biên” của phía Ấn Độ lúc nhiều nhất là hơn 400 người, kể cả 2 máy ủi và 3 lều vải, chiều sâu “vượt biên” trên 180 m. Đến cuối tháng 7/2017, lực lượng biên phòng Ấn Độ vẫn có trên 40 người và 1 máy ủi hiện diện trên phần gọi là “lãnh thổ Trung Quốc”.

Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Trung Quốc công bố tài liệu này nhằm nói rõ “chân tướng” sự việc quân đội Ấn Độ “vượt biên” với cộng đồng quốc tế, trình bày toàn diện lập trường của Chính phủ Trung Quốc.

Trung Quốc cho rằng họ làm như vậy là để “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, bảo vệ công bằng và chính nghĩa”.

Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj. Ảnh: Tân Hoa xã.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj. Ảnh: Tân Hoa xã.

Theo Tân Hoa xã, việc Ấn Độ tích cực quan tâm đến vấn đề Đài Loan gần đây là có liên quan đến sức ép của đối đầu biên giới. Đồng thời, 1 năm qua, quan hệ giữa Ấn Độ và Đài Loan tương đối mật thiết.

Trước khi sự kiện đối đầu Doklam xảy ra, có một động thái khá lớn của Ấn Độ đối với Đài Loan là vào tháng 2/2017, Ấn Độ đã mời một đoàn đại biểu phụ nữ cơ quan lập pháp Đài Loan đến thăm Ấn Độ.

Khi đó, sau khi được biết tin Đoàn đại biểu Đài Loan đến Ấn Độ, Trung Quốc đã tiến hành “giao thiệp nghiêm túc” với Ấn Độ, yêu cầu Ấn Độ thực hiện nguyên tắc “một Trung Quốc”, thận trọng xử lý các vấn đề liên quan đến Đài Loan. Ấn Độ phản hồi rằng đó là chuyến thăm “không chính thức”.

Từ khi ông Narendra Modi lên làm Thủ tướng Ấn Độ, các quan chức Chính phủ Ấn Độ đã nhiều lần đề cập đến chính sách “một Ấn Độ”. Nếu xem lại các tuyên bố chung của hai nước Trung Quốc và Ấn Độ, chắc chắn sẽ không tìm thấy nội dung Ấn Độ thừa nhận “Tây Tạng và Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc”. Đối với Ấn Độ, nếu Trung Quốc muốn Ấn Độ kiên trì nguyên tắc “một Trung Quốc” thì phải tôn trọng “một Ấn Độ”.

Ngay từ năm 2014, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cũng đã cho biết rõ ràng rằng để Ấn Độ ủng hộ nguyên tắc “một Trung Quốc”, Ấn Độ cũng hy vọng Trung Quốc ủng hộ chính sách “một Ấn Độ” và tôn trọng tính nhạy cảm của vấn đề bang Arunachal.

Hai năm qua, Ấn Độ đã nhấn mạnh chính sách “một Ấn Độ” với Trung Quốc, đồng thời cho rằng hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan liên quan đến vấn đề chủ quyền của Ấn Độ.

Tuy nhiên, mặc dù Ấn Độ và Đài Loan gần đây có nhiều dấu hiệu “xích lại gần nhau”, nhưng Trương Hoa, phó chủ nhiệm Phòng nghiên cứu khoa học, Trung tâm nghiên cứu Đài Loan, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc vẫn cho rằng Đài Loan rất mong muốn và chủ động hơn trong tương tác với Ấn Độ. Ấn Độ cũng có ý đáp ứng nhu cầu này.

Nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn cầm cuốn sách viết về tiểu sử của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Sina.
Nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn cầm cuốn sách viết về tiểu sử của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Sina.

Theo Trương Hoa, nền tảng kinh tế thương mại của hai bên yếu, nhưng tương tác chính trị tăng lên. Năm 2016, để giảm sự lệ thuộc của Đài Loan vào kinh tế Trung Quốc, nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn đã đưa ra chính sách “hướng Nam mới” nhằm tận dụng cơ hội thương mại ở các nước Nam Á, Đông Nam Á và ASEAN.

Trong đó, Ấn Độ được coi là quốc gia riêng được coi trọng nhất trong chính sách “hướng Nam mới”.

Nhưng quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên thực ra vẫn rất hạn chế. Nhà nghiên cứu Trương Hoa cho biết năm 2016 kim ngạch thương mại Ấn - Đài chỉ hơn 5 tỷ USD. Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 31 của Ấn Độ, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Đài Loan.

Về trao đổi cán bộ, số người Đài Loan đến Ấn Độ khoảng 22.000, số người Ấn Độ đến Đài Loan là 33.000 người. Đây là con số không đáng kể khi so với hơn 10 triệu du khách Ấn Độ đến Đài Loan.

Trương Hoa cho rằng điều đáng chú ý hơn là quan hệ chính trị giữa Ấn - Đài. “Đặc biệt, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn từng đến thăm Ấn Độ, còn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng từng đến thăm Đài Loan, trở thành những nhà lãnh đạo từng thăm nhau lần đầu tiên trong lịch sử. Chính vì vậy, sự phát triển quan hệ Đài - Ấn sau năm 2016 được một số người rất trông đợi.

Tuy nhiên trên thực tế, vị thế của Đài Loan trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ không cao. Rất nhiều nhân vật trong giới tinh hoa Ấn Độ còn chưa biết Đài Loan ở đâu, khoảng cách tâm lý giữa hai bên còn “rất xa”.

Nhà nghiên cứu Trương Hoa cho rằng tham vọng làm “anh cả” của Ấn Độ đã quyết định Ấn Độ không thể ứng xử với Đài Loan như là một “đối tác ngang hàng”. “Mặc dù khả năng Ấn Độ phá bỏ nguyên tắc một Trung Quốc không lớn, nhưng đại lục vẫn cần đặc biệt chú ý đến việc cải thiện quan hệ thực chất, tiềm tàng giữa Đài - Ấn”.